Thời trang bền vững là một hành trình liên tục đòi hỏi sự thay đổi và phát triển không chỉ về phương thức sản xuất, quy trình phân phối thân thiện với môi trường, mà còn ở thành phẩm bền vững. Chất liệu tái chế thân thiện với môi trường đang là xu hướng và dần thay thế các chất liệu khác. Recyled Polyester hay vải/sợi Polyester tái chế từ chai nhựa cũ không chỉ mang đủ ưu điểm về tính năng như sợi Polyester truyền thống mà còn có ý nghĩa tích cực với môi trường và có thể tái chế liên tục nhiều lần mà không suy giảm chất lượng.
Ngoài những loại sợi nguyên sinh, thì sợi tái chế hiện nay được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực thời trang. Để giúp môi trường hạn chế được lượng rác thải không thể phân hủy, cũng như ngăn ngừa các chất độc hại phát sinh trong quá trình sản xuất, nên sợi tái chế đã ra đời để phục vụ đời sống của con người.
Vải tái chế là gì?
Tái chế là sử dụng những đồ vật, chất liệu hay bất kể những gì đã cũ có thể sử dụng để tạo ra một sản phẩm mới. Ví dụ như chai lọ tái chế, vỏ lon tái chế,…thì vải cũng vậy. Vải tái chế được kéo sợi từ plastic đã qua sử dụng. Sau khi được xử lý thông qua dây chuyền công nghệ hiện đại; chúng sẽ được tạo thành sợi polyester chất lượng cao để ứng dụng trong ngành may mặc. Cách tái chế này vừa giúp tái tạo nguồn rác thải nhựa vừa tạo ra chất liệu cho ngành may mặc.
Vải được tái chế có những đặc điểm gì?
So sánh với các loại vải thông thường hiện nay, vải được tái chế hoàn giống về cấu trúc và tính ứng dụng. Chúng có thể dùng làm nguyên liệu may mặc thời trang theo mùa, phụ kiện... như bất kỳ loại vải nào.
Ưu điểm lớn nhất của những món đồ may từ vải tái chế chính là vòng đời lặp lại nhiều lần. Trang phục bằng những chất liệu khác sau 1 vòng đời sẽ bị vứt bỏ. Trong khi quần áo may bằng vải được tái chế có thể tiếp tục kéo sợi. Và một vòng đời mới của vải tái chế lại bắt đầu. Nhờ vậy, thời trang xanh, thời trang bền vững đang được rất nhiều người ưa thích.
Bởi vì vải sợi tái chế được sản xuất từ nguyên liệu nhựa tái chế, chúng được lấy từ rác thải. Cho nên quy trình sản xuất phải nghiêm ngặt, đảm bảo khử khuẩn, khử trùng mạnh mẽ. Sau cùng sức khỏe của người tiêu dùng mới là ưu tiên hàng đầu của nhà sản xuất. Vì vậy, vải sợi tái chế phải đạt tiêu chuẩn chất lượng GRS: Tiêu chuẩn tái chế toàn cầu (Global Recycle Standard).
Lý do sử dụng chất liệu Recycle?
Vải Recycled Polyester có chất lượng tương đương với Polyester nguyên chất, có thể được tái chế liên tục nhiều lần mà không suy giảm chất lượng, bên cạnh đó sợi tái chế còn mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị như sau :
Giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nguyên chất : Dầu mỏ là một trong những nhiên liệu quan trọng nhất của xã hội hiện đại, dầu mỏ được sử dụng trong sản xuất nhiều loại vật liệu và ngành công nghiệp, vận tải tuy nhiên dầu mỏ là một nguồn tài nguyên không thể tái tạo nên sự lo ngại về khả năng cạn kiệt dầu trong một tương lai không xa là một trong những vấn đề quan trọng dẫn tới xu hướng giảm khai thác cũng như giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ.
Giảm thải rác thải nhựa : trên thế giới, mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu dùng và sau đó thải ra môi trường, thông qua tái sử dụng nguồn nguyên liệu bằng cách tận dụng và sản xuất sợi tái chế, vải Recycle mang lại cho nhựa cuộc sống thứ hai cũng như giảm tải cho môi trường một lượng rác thải đáng kể, giúp các chai nhựa thoát khỏi số phận phải chờ phân hủy hơn hàng trăm năm trong một bãi rác hay giảm thải rác thải nhựa ra đại dương, có thể gây hại cho sinh vật biển.
Thân thiện môi trường : việc sản xuất vải tái chế sẽ giảm khí thải nhà kính thông qua quy trình sản xuất và tái chế nhựa có sẵn tạo ra ít hơn 55% lượng khí thải CO₂, cũng như tiêu thụ năng lượng ít hơn 53% so với việc tạo và xử lý Polyester nguyên chất từ dầu mỏ, đây là một sự thay thế thông minh cho vải Polyester mới và là vật liệu mang ý nghĩa thân thiện môi trường hơn.
Vải tái chế Polyester có một số ưu điểm hơn vải cotton : Là một loại sợi tổng hợp, Polyester tái chế không cần đất để trồng trọt do đó không phun hóa chất vào các cánh đồng bông thông thường cũng như quy trình sản xuất Polyester sử dụng ít nước hơn nhiều so với bông. Giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước và giảm lượng hóa chất thải ra môi trường.
Chứng nhận nguồn gốc sợi tái chế
Một trong những công cụ giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng xác minh được hàm lượng tái chế trong sản phẩm một cách minh bạch và tin cậy có thể kể đến là tiêu chuẩn GRS và RCS được phát triển và kiểm soát bởi Textile Exchange – là một tổ chức cam kết xây dựng các tiêu chuẩn đáng tin cậy, được quốc tế công nhận bao gồm các hệ thống đảm bảo, giám sát và đánh giá. Mục tiêu chung của GRS và RCS là tăng cường sử dụng vật liệu tái chế. GRS bao gồm các tiêu chí bổ sung cho các yêu cầu xử lý xã hội và môi trường và các hạn chế về hóa chất.
RCS – Recycled Claim Standard
Là tiêu chuẩn tuyên bố tái chế toàn cầu, theo dõi nguyên liệu thô tái chế thông qua chuỗi cung ứng. Những tổ chức được chứng nhận RCS có thể gắn dãn nhãn thành phẩm với logo của chứng nhận Recycled Claim Standard, tuyên bố sản phẩm chứa bao nhiêu % nguyên liệu tái chế. Lưu ý rằng RCS không đề cập và không đảm bảo các sản phẩm chỉ chứa các hóa chất vô hại và cũng không đảm bảo việc sản xuất có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Chứng nhận RCS cung cấp hai nhãn sản phẩm :
- RCS 100 : RCS 100 đảm bảo rằng sản phẩm chứa 95-100% nội dung tái chế mà không có bất kỳ vật liệu không được chứng nhận nào cùng loại.
- RCS BLENDED : RCS Blended đảm bảo rằng sản phẩm chứa 5-95% hàm lượng tái chế mà không có hạn chế nào khác về hàm lượng còn lại.
GRS – Global Recycle Standard
Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu là một tiêu chuẩn sản phẩm quốc tế để theo dõi và xác minh hàm lượng vật liệu tái chế trong một sản phẩm cuối cùng với tối thiểu 20% vật liệu tái chế. Tiêu chuẩn áp dụng cho toàn bộ chuỗi cung ứng và giải quyết truy xuất nguồn gốc, tuân thủ nguyên tắc môi trường, yêu cầu xã hội, hàm lượng hóa chất và ghi nhãn.
Là 1 trong những thương hiệu tiên phong về thời trang bền vững, HeraDG hứa hẹn mang tới cho khách hàng những trải nghiệm "xanh" trong thời đại mới. Việc sáng tạo ra những thiết kế đẹp từ chất liệu thân thiện với môi trường chính là một trong số các tiêu chí hàng đầu của HeraDG. Bởi lẽ, thương hiệu luôn xuất phát từ mong muốn bảo vệ sức khỏe, môi trường và hướng tới những điều ý nghĩa.
Bằng việc cho ra mắt những thiết kế sử dụng chất liệu Recyle tái chế, vừa giúp giảm thiểu nhựa thải ra môi trường, vừa giúp bảo vệ làn da của người mặc, Hera mong muốn phần nào góp sức mình vào công cuộc thay đổi thói quen thời trang của cộng đồng.