CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO F0 ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ
HeraDG có gì mới
24 Tháng Hai 2022
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO F0 ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ

    Hiện nay, số lượng F0 điều trị tại nhà tăng cao mỗi ngày nên việc đầu tiên khi biết mình F0 là hãy thật thoải mái đón nhận, bình tĩnh để chăm sóc bản thân và gia đình, bạn chỉ mất 7-10 ngày để vượt qua và khỏe mạnh trở lại! Khi thực hiện cách ly và điều trị tại nhà, F0 cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp và khoa học để tăng sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe. 

    Cùng xem ngay hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho F0 tại nhà theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP HCM để tăng cường sức đề kháng và nhanh khỏi bệnh nhé.


    Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP HCM hướng dẫn người mắc Covid-19 cách ly tại nhà cần có chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ để nhanh hồi phục sức khỏe, hạn chế nguy cơ diễn tiến nặng. Theo đó, nên đảm bảo đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm, gồm tinh bột, sữa và chế phẩm sữa, dầu mỡ, thịt cá, trứng, các loại hạt, rau củ, đặc biệt là rau củ màu vàng - xanh thẫm.

    Uống đủ nước, trung bình 2 lít mỗi ngày hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát. Uống nước lọc, nước ép hoa quả. Sốt nên uống orezol để bù nước và điện giải.

    Tránh đồ ăn, uống có nhiều đường, nhiều muối. Hạn chế sử dụng mỡ động vật, phủ tạng động vật, các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Thực phẩm phải bảo đảm an toàn, vệ sinh, không dùng thực phẩm ôi, thiu, quá hạn sử dụng. Bảo đảm vệ sinh khi chế biến thực phẩm, luôn rửa tay trước và sau khi chế biến.

    Cũng theo hướng dẫn của CDC, người trưởng thành cần mức năng lượng 30- 35 kcal/kg cân nặng trong một ngày. Trong đó, chất đạm chiếm 15-20%, chất béo 20-25%, chất đường bột 50-65% tổng năng lượng. Nên cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất theo lứa tuổi, đặc biệt tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E, các thực phẩm giàu kẽm và selen...

    Với trẻ em, chế độ ăn hàng ngày cân đối 4 yếu tố chính gồm chất béo (động vật và thực vật), vitamin và khoáng chất, thành phần các chất sinh năng lượng (đạm, chất béo, carbohydrate), đạm (động vật và thực vật). Trẻ phải ít nhất có một bữa ăn trong ngày cân đối khẩu phần. Trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng, nên dùng sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng đường uống năng lượng cao. Tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn.

Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất:

    Vitamin A giúp duy trì sự toàn vẹn của niêm hấp và tiêu hóa, tạo kháng thể trên bề mặt niêm mạc. Vitamin A có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, xoài, bông cải xanh, rau cải bó xôi...


    Vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, hạn chế sự tiến triển của viêm phổi do virus, cải thiện chức năng hô hấp. Hoa quả, trái cây và rau tươi chứa nhiều vitamin C gồm bưởi, chanh, kiwi, ổi, dâu tây, đu đủ, cam, ớt chuông...


    Vitamin D có vai trò tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. F0 nên tiếp xúc với ánh nắng 15-30 phút mỗi ngày (phòng thoáng, có cửa sổ có ánh nắng mặt trời). Bổ sung thực phẩm giàu vitamin D như cá chép, cá trắm cỏ, lươn, trạch, sữa, lòng đỏ trứng; thực phẩm giảu vitamin D (sữa, ngũ cốc)...


    Vitamin E giúp thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, có nhiều trong các sản phẩm từ đậu nành, giá đỗ, rau mầm...


    Selen trong gạo lứt, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, cá, tôm, rong biển... Đây là chất chống oxy hóa mạnh, tăng cường khả năng chống nhiễm trùng.


    Kẽm giúp điều hòa miễn dịch và các phản ứng viêm, có nhiều trong các loại thịt gia cầm, các loại động vật có vỏ và hải sản như hàu, sò, thịt bò, lòng đỏ trứng, sữa bột, cua ghẹ; các loại hạt như hạt đậu, hạt vừng...


    Omega 3 đóng vai trò cải thiện hệ miễn dịch, chống viêm. Chất này có nhiều trong cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu, dầu gan cá, hạt macca, hạt óc chó, hạt chia....


    Flavonoid là chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch của cơ thể, đến từ các loại rau gia vị như húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh.


    Probiotic từ phô mai, sữa chua giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.


    Ngoài chế độ dinh dưỡng, F0 cần tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với sức khỏe, với môi trường. Hoạt động thể lực như tập thở, đi bộ, chạy tại chỗ, phẩy tay, tập yoga...; thời gian khoảng 45-60 phút, mỗi ngày hai lần. 

    Chúc tất cả mọi người luôn tích cực và lạc quan để nhanh chóng hồi phục sức khỏe và vượt qua đại dịch một cách an toàn nhất!


Để lại bình luận của bạn

Không có gì. fo chạy sai luồng dữ liệu !!!