Con đường hướng tới một ngành công nghiệp dệt may thời trang bền vững
HeraDG có gì mới
29 Tháng Mười Hai 2023
Con đường hướng tới một ngành công nghiệp dệt may thời trang bền vững

    1. SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ, NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐƯỢC ƯU TIÊN

    Hàng năm, toàn ngành phát thải vào môi trường khoảng 3,3 tỷ tấn CO2 tương đương (CO2tđ), trong đó hoạt động sản xuất dệt may chiếm 1,2 tỷ tấn CO2tđ (nhiều hơn tất các các chuyến bay quốc tế và vận chuyển hàng hải cộng lại), còn lại là phát thải từ sản xuất xơ tổng hợp, trồng bông, tiêu thụ và thải bỏ.

    Để sản xuất ra 80-100 tỷ chiếc quần áo mỗi năm, ngành sử dụng cạn kiệt 98 triệu tấn tài nguyên không thể tái tạo. Theo kịch bản thông thường, tác động của ngành dệt may toàn cầu đối với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2-30 sẽ tăng lên 49%. Do đó, việc xác định các điểm nóng sử dụng nhiều năng lượng trong các giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng dệt may và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là rất cấp thiết.

    2. SỬ DỤNG NGUYÊN LIỆU THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

    Có thể giảm thiểu tác động tiêu cực trong chuỗi cung ứng. Xơ tổng hợp nên được thay thế bằng nguyên liệu gốc thực vật do lượng phát thải carbon để sản xuất ra xơ tổng hợp cao hơn so với xơ gốc thực vật.

    Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đối với các xơ có nguồn gốc thực vật, việc trồng trọt và sản xuất chúng cũng cần đến thuốc trừ sâu, phân bón, hóa chất, thuốc nhuộm... hầu như các loại này đều có chi phí xử lý môi trường rất lớn, cần thiết phải có hoạt động quản lý và kiểm soát để giảm những tác động tiêu cực đến môi trường đặc biệt ở giai đoạn sau trong vòng đời của sản phẩm.

    3. THỜI TRANG TUẦN HOÀN

    Dựa trên nguyên tắc"khép kín" hoặc "thiết kế từ đầu đến cuối", hướng dần đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Thời trang tuần hoàn cần đến những đóng góp của các nhà thiết kế. Nhiều tác động và chi phí môi trường là kết quả của quyết định được đưa ra trong giai đoạn thiết kế, do đó, các nhà thiết kế cần phải có tư duy thời trang tuần hoàn. Thêm nữa, cần đào tạo, truyền thông để thay đổi hành vi mua sắm và tiêu dùng của cộng đồng để thời trang tuần hoàn đi vào cuộc sống.

    4. KÉO DÀI TUỔI THỌ SẢN PHẨM

    Kéo dài tuổi thọ sản phẩm: Cần có chiến lược giúp cho người tiêu dùng "gắn bó" với sản phẩm càng lâu càng tốt. Sản phẩm có "độ bền vật lý" và đạt được cả hai chiến lược về "độ bền cảm xúc" và "đồng sáng tạo" là sản phẩm có tuổi thọ lâu bền nhất.

    Độ bền cảm xúc được hiểu qua việc cung cấp sự vừa vặn và phù hợp, tính minh bạch của quá trình sản xuất, lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu, còn đồng sáng tạo là cách thu hút người tiêu dùng tham gia thiết kế quần áo của riêng họ, mang đến cho người tiêu dùng cơ hội duy nhất để tạo ra những sản phẩm mà họ sẽ giữ lâu hơn bằng cách cộng tác với các thương hiệu thông qua một số nền tảng kỹ thuật.

    Kéo dài tuổi thọ của sản phẩm dệt may gây "xung đột" trực tiếp với thời trang xanh, do đó, để thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng quần áo của họ lâu hơn, cần phải có sự thay đổi lớn hơn về văn hóa, thói quen, hành vi và cả kinh tế.

    5. MINH BẠCH CHUỖI CUNG ỨNG

    Đây là "con đường" rất quan trọng, giúp cho các nhãn hàng và nhà bán lẻ quản lý chặt chẽ chuỗi cung ứng. Điểm quan trọng nhất của tính minh bạch trong chuỗi cung ứng dệt may là giảm việc ký hợp đồng phụ không có giấy tờ, từ đó giảm những chi phí xã hội và môi trường của doanh nghiệp.

    Điểm tiếp theo là phải sử dụng đúng nguyên liệu, thông tin về nhà sản xuất phải rõ ràng. Một chuỗi cung ứng đảm bảo hai điểm nêu trên là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề xã hội và môi trường.

    6. NGƯỜI TIÊU DÙNG THÔNG THÁI

    Người tiêu dùng cần ý thức được hành vi mua hàng, chăm sóc và thải bỏ. Đối với việc mua hàng, nếu người tiêu dùng coi trọng chất lượng hơn số lượng, truyền thống hơn tốc độ và sức khỏe sinh thái hơn là sự tăng trưởng cạn kiệt tài nguyên sẽ dẫn đến những quyết định mua sắm bền vững. Quyết định mua hàng của người tiêu dùng là động lực lớn nhất của nhu cầu sản phẩm. Đối với việc chăm sóc sản phẩm trong quá trình sử dụng như giặt, sấy. ủi... đây là một giai đoạn quan trọng trong vòng đời của quần áo và cũng đóng góp phần lớn lượng phát thải carbon. Do đó, người tiêu dùng cần được hướng dẫn đúng về cách chăm sóc quần áo.

    Những năm gần đây, trong quá trình sử dụng quần áo còn tồn tại một vấn đề lớn khác là ô nhiễm vi nhựa. Mỗi năm nửa triệu tấn vi nhựa, (tương đương với 50 tỷ chai PET) thải vào đại dương từ các hoạt động giặt là dệt may ( khoảng 20-30% nguồn ô nhiễm vi nhựa chính là quần áo từ sợ tổng hợp). Để giảm sự giải phóng vi nhựa từ quá trình giặt quần áo nhiều giải pháp được đề xuất, đó là: thay đổi cấu trúc/ thiết kế sợ và quần áo; cải tiến công nghệ giặt (ví dụ cải tiến hệ thống lọc của máy giặt); cải tiến hệ thống lọc của quy trình xử lý nước thải.


Để lại bình luận của bạn

Không có gì. fo chạy sai luồng dữ liệu !!!