XANH HÓA CÓ PHẢI LÀ XU HƯỚNG MỚI CỦA NGÀNH THỜI TRANG?
HeraDG có gì mới
29 Tháng Ba 2024
XANH HÓA CÓ PHẢI LÀ XU HƯỚNG MỚI CỦA NGÀNH THỜI TRANG?

    Ngành thời trang là một trong số ít ngành đã tăng trưởng liên tục trong thập kỷ qua,việc tiếp tục tăng trưởng trong tương lại nhưng trên cơ sở bền vững là một thách thức. Với tốc độ sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thời trang hiện nay, ngành công nghiệp môi trường bị bỏ quên và sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên.

    Bối cảnh kinh doanh của ngành thời trang gần đây

    Trong những thập kỷ gần đây, công nghiệp thời trang đã phát triển thành một ngành kinh doanh thịnh vượng, trở thành chủ đề cho các nhà nghiên cứu về tác động của nó đối với dòng chảy kinh tế trên thế giới. Sự toàn cầu hóa ngành thời trang đã dẫn đến việc di dời sản xuất từ châu Âu và Bắc Mỹ sang Châu Á và các nước đang phát triển.

    Năm 2023, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) ước tính, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may mặc, vải, xơ sợi, nguyên phụ liệu sẽ giảm từ 7 - 16% với năm 2022.

    Ngoài thiếu đơn hàng và bị cạnh tranh bởi các nước, doanh nghiệp dệt may thêm áp lực về tiêu chuẩn xanh từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...


    Theo VITAS, ngành dệt may của Việt Nam phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) sử dụng rất nhiều tài nguyên nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý. Là một trong những ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu và đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ sớm, các doanh nghiệp dệt may đang tiên phong thực hiện các giải pháp xanh hóa sản phẩm, xanh hóa nhà máy sản xuất. Trước mắt, EU đưa ra quy định liên quan đến chương trình dệt may tuần hoàn và bền vững, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất đối với các sản phẩm dệt may (EPR - Trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất), được áp dụng từ năm 2025.

    Theo ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, không chỉ thị trường EU mà tổng thể các thị trường khác, trong khoảng 3 năm trở lại đây, yêu cầu phát triển bền vững hay xanh hóa đã không còn mang tính tự nguyện, mà đã dần được định lượng trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu bằng các dòng thuế, phí. Đơn cử, nếu chiếu theo cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon, hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu sẽ gặp bất lợi do trong nước chưa có thị trường các-bon và giá các-bon. Mức phát thải cao hơn quy định sẽ bị tính theo giá các-bon tại châu Âu. Với mức giá bình quân 60 USD/tấn CO2 mà EU đang giao dịch, mỗi chiếc áo sơ mi xuất đi của Việt Nam sẽ cộng thêm khoảng 20 cent. Như vậy, riêng chi phí cho phát thải các-bon đã chiếm tới 30% - 40% chi phí gia công.

    Dệt may nằm trong nhóm mặt hàng có nguy cơ áp dụng CBAM sau giai đoạn thí điểm. Bởi vậy, danh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng xanh hóa sản phẩm, đầu tư xanh hóa nhà máy để giảm lượng phát thải khí nhà kính trong sản phẩm của mình - ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.

    Các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và nhiều đơn hàng hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải quyết liệt triển khai lộ trình xanh hóa trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Ðơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.


    Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp may, sợi, dệt nhuộm đạt được các chuẩn mực trong Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng quốc tế. Dệt may đã đạt các chuẩn mực môi trường, môi trường làm việc của người lao động, tới đây tỷ trọng này ngày càng tăng sẽ thúc đẩy bước phát triển cho đầu tư.

    Vấn đề kỹ thuật sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xanh hóa của ngành dệt may, không chỉ trong năng lượng tái tạo mà còn là xử lý nước thải. Thực tế trong nhiều năm qua, VITAS khuyến nghị tập trung đầu tư các khu công nghiệp sinh thái có hệ thống xử lý nước tuần hoàn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất dệt nhuộm, hiện chủ yếu phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào vì lo ngại ô nhiễm môi trường...

    Chiến lược phát triển ngành Dệt may Việt Nam trong thời gian tới tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, có trách nhiệm xã hội... Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối để từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

    Bên cạnh đó, theo yêu cầu của khách hàng, bản thân các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng chủ động hướng tới các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, trong đó, việc chủ động hoạt động thiết kế, tự chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt.

    Xu hướng hiện nay, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới – đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam – đang chuyển sang ưu tiên các doanh nghiệp xanh. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị ngưng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng. Cùng với đó, người tiêu dùng trên toàn cầu cũng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp khi lựa chọn sản phẩm.

    Đầu tư chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, “xanh hóa” sản xuất – bài toán của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ

    Tuy “xanh hóa” sản xuất, sử dụng năng lượng sạch và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là hướng phát triển bền vững, mở ra nhiều cơ hội bứt phá, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường quốc tế lẫn thị trường nội địa nhưng lại đặt ra một bài toán về chi phí đầu tư, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số ý kiến cho rằng, để cải thiện hiện trạng sản xuất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính, nhãn hàng dệt may…

    Thời gian vừa qua, đã có một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiên phong lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng để ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, đồng thời hướng tới đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng bài toán tài chính vẫn là một thách thức với nhiều doanh nghiệp trên con đường “xanh hóa”.


    Một tín hiệu đáng mừng, đã có một số chính sách hỗ trợ tài chính và các chương trình Tín dụng xanh từ các ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ dành cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải, tái sử dụng nước thải, đầu tư lắp đặt điện mặt trời, năng lượng tái tạo… Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may muốn sử dụng năng lượng sạch từ mặt trời có thể lựa chọn giải pháp PPA điện mặt trời, chỉ cần tận dụng mái nhà xưởng đang nhàn rỗi, không hề chiếm dụng vốn kinh doanh. Với giải pháp này, doanh nghiệp không phải đắn đo về vốn đầu tư, không cần lo khâu bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, trong khi được dùng điện sạch với giá thấp hơn so với giá điện hiện hành của EVN, quan trọng hơn nữa là đáp ứng một tiêu chí về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Với những thuận lợi này, hi vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may sẽ nắm bắt tốt các cơ hội, chuyển mình thành công và tiếp tục cùng ngành dệt may Việt Nam đạt những thành tựu mới, góp phần phát triển nền kinh tế – xã hội nước nhà.

Để lại bình luận của bạn

Không có gì. fo chạy sai luồng dữ liệu !!!