Hiện nay, phát thải khí nhà kính đang ảnh hưởng tới Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Việt Nam hiện nay đã ký kết COP26 hướng tới mục tiêu trung hòa Carbon vào năm 2050, ủng hộ Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu và chủ động tham gia các thỏa thuận pháp lý liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu. Theo đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu cũng như hiểu rõ mức độ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia là vô cùng cấp thiết.
Khí nhà kính và mối đe dọa nóng lên toàn cầu
Kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp và sự ra đời của động cơ hơi nước của con người đã làm tăng đáng kể khối lượng khí kính thải vào khí quyển. Trong tất cả lượng khí thải do con người tạo ra về khí CO2 – khí nhà kính chính là khí phong phú nhất do các hoạt động của con người thải ra và là một trong những loại khí tồn tại lâu nhất. Từ năm 1750 đến năm 2010, khí nhà kính chiếm khoảng một nửa khí thải được tạo ra chỉ trong vòng 40 năm qua, điều này phần lớn là do quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp. Và trong khí lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu thỉnh thoảng tăng hoặc giảm từ năm này sang năm khác (gần đây nhất là từ năm 2014 đến năm 2016) chúng lại trên đà đang tăng tốc một lần nữa. Trong năm 2017, lượng khí thải carbon đã tăng 1,6%; năm 2018 ước tính tăng 2,7%.
Khí giữ nhiệt trong khí quyển được gọi là khí nhà kính. Khí nhà kính từ các hoạt động của con người là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu quan sát được kể từ giữa thế kỷ 20. Khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người tăng lên, chúng sẽ tích tụ trong khí quyển và làm khí hậu nóng lên, dẫn đến nhiều thay đổi khác trên thế giới – trong khí quyển, trên đất liền và đại dương.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), mỗi năm, ngành dệt may đang chi khoảng 3 tỷ USD cho tiêu thụ năng lượng. Ngành này hiện chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm. Trong ngành dệt may, các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) là khâu có lượng phát thải carbon cao nhất.
Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, ban hành theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã xác định là “là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế”. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra các mục tiêu khá tham vọng cho ngành dệt may. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 6,8%-7,2%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt từ 7,5%- 8,0%/năm; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 50-52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68-70 tỷ USD; tỷ lệ nội địa hoá ngành dệt may giai đoạn 2021-2025 đạt 51%-55% và giai đoạn 2026-2030 đạt 56%-60%.
Với định hướng như vậy, nhiều khả năng lượng phát thải của ngành dệt may có thể sẽ tăng mạnh thời gian tới nếu các doanh nghiệp trong ngành này không chủ động chủ động đầu tư áp dụng các công nghệ và quy trình sản xuất ít phát thải khí nhà kính.
Cần chủ động ngay từ bây giờ
Để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngay từ bây giờ, nhiều ngành nghề, trong đó có dệt may, phải nỗ lực tìm hướng giảm phát thải ra môi trường.
Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone (Danh mục trong Quyết định 01/2022/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành ngày 18/01/2022), hiện nay, có 294 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính.
Trong bối cảnh đó, phát biểu tại Hội thảo tập huấn về kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực dệt may do Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức gần đây ở TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, nhấn mạnh Nghị định 06 đã đưa ra lộ trình cụ thể cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may, về việc cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở. Ngay từ tháng 3/2025, các doanh nghiệp sẽ phải gửi số liệu tới các cơ quan quản lý, đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Từ năm 2026, các doanh nghiệp bắt buộc thực hiện các biện pháp thực hiện giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch, để tuân thủ hạn ngạch phát thải được phân bổ.
Ở góc độ toàn cầu, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề cần tính đến trong quản lý rủi ro doanh nghiệp. Hiệu quả cắt giảm phát thải khí nhà kính trở thành một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với cổ đông, nhà đầu tư trong vấn đề đầu tư hay thoái vốn.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện tại hầu hết các nhãn hàng thời trang tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu... thậm chí là Trung Quốc đều đòi hỏi khắt khe hơn về những sản phẩm may mặc. Cụ thể, nhà nhập khẩu yêu cầu đơn vị sản xuất phải tiết kiệm nguồn nước, không chấp nhận việc sử dụng than làm khí đốt vì ảnh hưởng môi trường.
Các đối tác cũng yêu cầu người bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp sản xuất muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải tự đổi mới mình, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các yếu tố phát triển xanh.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký VITAS cho rằng, doanh nghiệp, nhà sản xuất thời trang Việt Nam không còn lựa chọn nào khác mà đang phải tự sáng tạo, sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện môi trường hơn, tìm giải pháp xanh hóa quy trình sản xuất.
Hiện nay, nhiều loại sợi từ cà phê, sen, hàu, bạc hà, vải sợi tái chế đã và đang được các doanh nghiệp nghiên cứu cho ra đời, đáp ứng nhu cầu xanh hóa của ngành.
Là một trong những đơn vị hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam, Tổng công ty Đức Giang (Dugarco) nhận thấy việc chuyển đổi sang sản xuất tuần hoàn chính là quá trình xanh hóa sản xuất, gắn với phát triển bền vững. Trong đó, Ban lãnh đạo nhấn mạnh vào việc tiết kiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải carbon thông qua các lĩnh vực như xử lý chất thải và nước thải, sử dụng năng lượng sạch, sử dụng nguyên liệu tái chế và đẩy mạnh các giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường. Một số kế hoạch và chương trình cụ thể của Hội đồng quản trị Dugarco đã đề xuất và triển khai trong việc chuyển đổi sang sản xuất tuần hoàn như sau:
Thứ nhất, TCT Đức Giang hiện nay đã và đang thực hiện các sáng kiến cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh như tiết kiệm điện 10%, nước 20%, nguyên phụ liệu 5-10%, hạn chế tối đa sử dụng tài liệu bằng giấy trong các cuộc họp, không sử dụng chai và bao bì nhựa,… Đây cũng chính là một phần trong nỗ lực giảm thiểu dấu chân carbon của TCT Đức Giang.
Thứ hai, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện nay, đa số các nhà máy trong hệ thống Dugarco đã và đang được lắp đặt các thiết bị pin mặt trời áp mái giúp chủ động được 20-30% lượng điện tiêu thụ cho toàn bộ quá trình sản xuất. Không những vậy, TCT Đức Giang đã chuyển đổi các lò hơi đốt than sang các nồi hơi sử dụng điện. Điều này không những giúp Dugarco tiết kiệm chi phí, mà còn nhằm hạn chế phát thải các chất độc hại ra môi trường.
Thứ ba, Dugarco đang tập trung tìm kiếm và ưu tiên sử dụng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu có chứng nhận bền vững, ví dụ như sử dụng các vải có nguồn gốc tự nhiên, tự phân hủy hoặc tái chế.
Thứ tư, tập trung vào việc chuyển đổi thiết kế theo xu hướng thời đại. Với sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế ảo (VR), công nghệ làm mẫu 3D, chúng tôi đã phát triển các mẫu sản phẩm mới nhanh hơn, chính xác hơn , tiết kiệm nhân, vật lực, thời gian hơn. Điều này giúp Dugarco đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu thay đổi của khách hàng và thị trường.Việc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình tạo mẫu, giảm thiểu việc sử dụng nguyên phụ liệu may mẫu.
Đặc biệt, Dugarco đã và đang tìm kiếm và thành lập các chuỗi cung ứng mới đáp ứng các tiêu chuẩn thời trang, tái tạo và giảm phát thải.